Sẽ có ít nhất một lần trong đời, bạn phải thốt lên rằng: “Ôi, cục mụn này mới ở đâu xuất hiện vậy”và rồi bạn sẽ cuống lên đi tìm cách để “đánh bay” chúng ra khỏi làn da mịn màng của bạn. Nhưng bạn có thực sự hiểu đó là loại mụn gì và phải xử lý nó ra sao không?
“Mụn” luôn tồn tại là một nỗi e sợ quen thuộc của tất cả các chị em bạn dì nhưng chúng mình lại hay cảm thấy khó khăn mỗi khi cố gắng định nghĩa loại mụn đang ẩn náu dưới da chúng ta là loại mụn gì. Cùng nhau đọc đến hết bài nhé bởi tips hay ho lỡ đâu lại giúp ích được cho các bạn.
CÁC LOẠI MỤN KHÔNG VIÊM
Mụn đầu trắng và Mụn đầu đen là 2 loại mụn không viêm. Đây cũng là 2 loại mụn phổ biến nhất nhưng lại ít nghiêm trọng nhất. Chúng thường không gây sưng và đau.
Mụn đầu trắng
Thuật ngữ y tế cho loại mụn này là “closed comedones”. Đây là những đốm nhỏ hoặc màu trắng hoặc màu da thịt hoặc vết sưng. Chúng thường có một trung tâm hình tròn màu trắng bao quanh bởi một quầng sáng màu đỏ. Vùng da xung quanh mụn đầu trắng có thể bị căng hoặc nhăn, đặc biệt là khi mụn đầu trắng lớn hoặc đặc biệt nổi lên. Mụn đầu trắng thường sẽ không để lại sẹo bạn nhé.
Mụn đầu đen
Mụn đầu đen, ngược lại sẽ được gọi là “open comedones”. Chúng là những đốm nhỏ, màu đen hoặc màu tối có thể xuất hiện dưới dạng những vết sưng nhẹ. Da xung quanh mụn đầu đen thường xuất hiện bình thường, trong khi trung tâm của mụn đầu đen tối hơn vùng xung quanh. Các bạn cần nhớ rằng màu sắc ở đây không phải là do bụi bẩn bị mắc kẹt nhé. Mụn đầu đen đơn giản là mụn đầu trắng đã mở và khi nhân mụn đầu trắng tiếp xúc với không khí, chúng sẽ tối đi.
Bạn cần lưu ý gì khi xử lý 2 loại mụn này?
Hãy cân nhắc đến các sản phẩm có chức năng làm sạch và kiềm dầu, từ sữa rửa mặt, toner, tinh chất đặc trị, kem dưỡng ẩm và kem làm mờ thâm bạn nhé. Một số các hoạt chất có thể giúp bạn “xử đẹp” những bé mụn đáng ghét này bao gồm:
- Benzoyl Peroxide
- Salicylic Acid
- Glycolic Acid
- Sulfur
Ngoài ra một số thói quen ăn uống lành mạnh kết hợp cùng chu trình dưỡng da khoa học sẽ còn giúp bạn phòng ngừa được mụn từ bên trong nữa đó nha. Hãy thử một vài cách dưới đây nhé:
- Rửa mặt sạch 2 lần mỗi ngày. Tránh chà sát mặt quá mạnh.
- Giảm căng thẳng
- Bổ sung thêm rau xanh trong khi cũng hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ
- Uống đủ 2L nước mỗi ngày
- Hạn chế tối đa những giây phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Bôi kem chống nắng khi ra ngoài trời, dù hôm đó có nắng đẹp hay bão tố mưa giông
Điều quan trọng trên hết là đừng bao giờ tự ý nặn mụn trứng cá nhé. Khi bạn nặn mụn mà cồi mụn chưa được gom hết sẽ dẫn đến những hậu quả xấu xí như bị sẹo, vết thâm và lỗ chân lông to.
MỤN VIÊM
Nếu mụn không viêm là một tình trạng mụn nhẹ và khá phổ biến, dễ dàng điều trị tại nhà bằng các hoạt chất có trong skincare routine, MỤN VIÊM lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn. Mụn viêm có khả năng cao sẽ lại các biến chứng như sẹo hoặc rỗ nếu như bạn không biết cách “chăm sóc” em nó đúng cách.
Các loại mụn viêm từ nhẹ đến nặng bao gồm:
- Mụn viêm đỏ
- Mụn mủ
- Mụn nốt sần
- Mụn u nang
- Mụn viêm đỏ (Papules)
Mụn viêm đỏ bắt nguồn từ mụn đầu trắng và mụn đầu đen không được điều trị đúng cách.
Mụn viêm đỏ là các sẩn màu đỏ gồ lên trên mặt da, kích thước dưới 5 mm, cảm giác đau hoặc ngứa nhẹ, số lượng ít hay nhiều còn tùy thuộc vào mức độ, phân bố rải rác ở da mặt, đôi khi xuất hiện ở ngực trên hoặc lưng trên
MỤN MỦ (Pustules / Pimples)
Mụn mủ là giai đoạn sau của mụn viêm đỏ khi mà phản ứng viêm đã xảy ra được một thời gian.
Mụn mủ là những chấm đỏ <5mm nổi lên trên bề mặt da. Trung tâm mụn chứa đầy mủ màu trắng hoặc vàng, và vết sưng có nền màu hồng hoặc đỏ và sẽ hơi đau nhẹ. Mủ chính là xác chết của vi khuẩn và tế bào miễn dịch sau khi tế bào miễn dịch đến tiêu diệt vi khuẩn.
Mụn mủ có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên mặt.
Mụn mủ thường bị nhầm với mụn đầu trắng nhưng thực tế nó có kích thước lớn hơn và bị viêm nhiều hơn.
Một số biện pháp điều trị tại nhà cho 2 loại mụn viêm mức độ nhẹ này bạn có thể tham khảo chính là:
- Rửa mặt kết hợp massage nhẹ nhàng bằng nước ấm và sản phẩm sữa rửa mặt nhẹ dịu dành cho da nhạy cảm
- Sử dụng các sản phẩm với Benzoyl Peroxide để chống lại vi khuẩn
- Sử dụng các sản phẩm có Axit Salicylic để loại bỏ các tế bào da chết và các mảnh vụn khác
- Bổ sung thêm nước và vitamin để giúp loại bỏ độc tố từ bên trong.
* Lưu ý rằng những hoạt chất trên thường có khả năng gây kích ứng cao. Vậy nên bạn hãy bắt đầu thử với sản phẩm có nồng độ thấp trước, sử dụng 1-2 lần 1 tuần để cho da làm quen trước khi tăng nồng độ và tần suất sử dụng nhé.
MỤN NỐT SẦN (Nodules)
Mụn nốt sần còn có tên gọi thân thuộc hơn là mụn bọc. Do các nang lông bít tắc ở gần nhau, vỡ ra và thông với nhau tạo thành một nốt mụn lớn. Mụn bọc thường là những cục cứng, đau, có phản ứng viêm nặng, kích thước to và phá hủy cấu trúc da, gây nên những biến chứng về da như sẹo lõm.
MỤN U NANG
Mụn u nang là trường hợp năng nhất của mụn trứng cá. Mụn u nang thường rất lớn, mềm, đau, nằm sâu trong da và chứa nhiều mủ. Nguyên nhân chủ yếu của mụn u nang thường là do sự kết hợp của vi khuẩn, dầu nhờn và tế bào chết bị mắc kẹt lại trong lỗ chân lông của bạn.
Một số sự thật về mụn u nang mà các bạn nên biết nhé:
Trong khi mụn trứng cá là rất phổ biến, mụn u nang là tương đối hiếm gặp và nghiêm trọng hơn.
Mụn nang hình thành không phải do sô cô la, các loại hạt, hoặc thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Mụn nang có thể gây stress và u sầu do những hậu quả của nó để lại trên gương mặt của bạn
Một thực tế đáng buồn là chúng ta không thể nào chữa được mụn u nang tại nhà giống như các “bé” mụn trên. Các bạn cần đến gặp ngay bác sĩ da liễu để được tư vấn và có phác đồ điều trị hợp lí cho từng loại da và cơ địa. Tuyệt đối không nên hấp tấp mà sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc ở trên mạng.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức căn bản về các loại mụn. Để có được một hướng dẫn cụ thể và chi tiết, hay book lịch gặp bác sĩ da liễu ngay khi cảm thấy da bị tổn thương để “em da” được chăm sóc kĩ lưỡng và bài bản bạn nha.